Quy trình trồng ớt đông

04:12:00 21/12/2014

I. GIỐNG ỚT:

Hiện nay trên thị trường, giống ớt cay chủ yếu là giống Hotchilli, Redchilli, Lai số 20 của công ty Giống cây trồng miền Nam,... Đây là những giống cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt.

II. THỜI VỤ:

Vụ thu đông: gieo hạt giữa tháng 8, trồng cuối tháng 9, thu hoạch tháng 11 đến giữa tháng 2 năm sau.

- Vụ xuân: gieo hạt giữa tháng 1, trồng cuối tháng 2, thu hoạch tháng 4 đến đầu tháng 7.

III. KỸ THUẬT LÀM CÂY CON

1/ Chuẩn bị đất

a. Đất làm vườn ươm:

- Đất làm vườn ươm cần tơi xốp, nhiều mùn, không chua, thoát nước tốt và gần nguồn nước tưới, không có nguồn sâu bệnh, cây trồng trước là cây trồng nước hoặc không phải cây họ cà.

- Lên luống: mặt luống rộng 80 - 100 cm, cao 20 - 30 cm, bón lót phân chuồng ủ đã hoai mục hoặc phân vi sinh (không bón lót phân urê).

b. Đất làm bầu

- Chọn đất mặt ruộng hoặc đất vườn, tơi xốp, không chua đem về phơi khô, đập nhỏ rồi trộn đất với phân chuồng ủ mục theo tỷ lệ 2 đất : 1 phân chuồng.

- Vỏ bầu có thể làm bằng 2 cách:

+ Làm bằng túi nilon: túi có đường kính 3 - 4 cm, cao 4 cm, cắt bỏ góc, chọc thủng cạnh túi để thoát nước.

+ Làm bằng lá chuối: cho đất vào 1/3 bầu rồi dùng tay nén chặt tạo đế, sau đó cho tiếp đất đã trộn phân lên cho đầy bầu.

2/ Ngâm ủ hạt giống.

- Trước khi ngâm hạt nên phơi lại hạt giống dưới ánh nắng nhẹ 1-2 giờ; xử lý hạt giống bằng thuốc Kasuran (hoà tan 5-7g/lít nước, ngâm hạt trong 1 giờ); sau đó vớt ra, rửa hạt bằng nước ấm 3 sôi 2 lạnh (45 - 500C), loại bỏ hạt thối, lép lửng.

- Ngâm hạt vào nước sạch (không dùng nước giếng, tốt nhất dùng nước mưa) trong 8 giờ cho hạt hút no nước, sau đó vớt ra, để ráo nước.

- Ủ hạt giống: gói hạt vào mảnh vải bằng cốt-tông ẩm, ủ ấm đến khi hạt nứt nanh. Ngoài ra, có thể ủ hạt bằng cách: dùng 1 cái đĩa (hoặc khay) rải 1 lần cát ẩm rồi đậy giấy bản lên cát, rải đều hạt giống đã ngâm no nước lên trên giấy bản, sau đó dùng giấy bản đậy kín hạt. Thường xuyên kiểm tra, nếu thấy khô thì tưới thêm nước đến khi hạt nứt nanh đều đem gieo.

3/ Kỹ thuật gieo hạt

- Chuẩn bị: đất đập nhỏ, thuốc vibasa hoặc thuốc kiến, khung tre, nilon, rơm rạ.

- Gieo hạt: hạt đã ngâm ủ nứt nanh rồi đem gieo đều lên mặt luống hoặc gieo vào bầu. Sau đó, dùng đất nhỏ trộn với thuốc kiến rắc kín hạt, dùng rạ hoặc rơm che kín mặt luống để giữ ẩm cho hạt.

- Cắm khung tre để làm vòm che cho cây con, gieo hạt xong cắm khung vòm ngay.

4/ Kỹ thuật chăm sóc cây con

- Thường xuyên theo dõi, đảm bảo đủ ẩm

- Khi hạt nhú đều thì bỏ lớp rơm rạ phủ mặt luống ra (không để cây nhú qua rạ ảnh hưởng xấu đến cây con) và phun phòng lở cổ rễ cây con bằng thuốc Validamycin, định kỳ 7 ngày 1 lần.

- Khi cây được 3 - 4 lá thì phun phòng lở cổ rễ bằng thuốc Anvil 5SC, hoà loãng phân urê tưới cho cây.

- Khi cây con được 25 - 30 ngày, cao 10 - 15 cm thì đem trồng.

- Theo dõi các đối tượng gây hại trong vườn ươm để có biện pháp bảo vệ kịp thời:

+ Kiến tha hạt, sên cắn cây con: dùng thuốc Vibasa, Vibasu, Basudin 10H rải lên luống.

+ Bệnh lở cổ rễ: thường phát sinh gây hại mạnh ở nhiệt độ 28-300C và ẩm độ cao (thời tiết âm u); phòng bệnh bằng thuốc Anvil 5SC hoặc Validacin, phun định kỳ 5 - 7 ngày 1 lần.

Chú ý: trước khi trồng cây con ra đồng từ 1-2 ngày nên phun thuốc Actara 25WG trừ những loại chích hút để chống bệnh Virút

V/ KỸ THUẬT TRỒNG CÂY RA RUỘNG.

1/ Làm đất:

- Luống: rộng 90 - 100 cm (hàng đôi), rãnh 35 – 40 cm.

- Mật độ trồng: tùy thuộc vào giống. Đối với giống có khả năng phân cành mạnh, mỗi sào trồng khoảng 900 - 1000 cây (tuỳ theo vụ), cây x cây là 40 x 45 cm; hàng cách hàng 60 cm.

2/ Phân bón (tính cho 1 sào 360m2):

+ Phân chuồng ủ mục: 5 - 6 tạ

+ Lân Supe: 20 kg

+ Phân Urê: 12 - 15 kg

+ Kali: 12 kg

Chú ý nhu cầu kali cho ây ớt không thể thiếu đặc biệt là ớt cay

Cách bón:

- Bón lót: toàn bộ phân chuồng và supe lân cùng với 2 - 3 kg urê lót sâu theo rạch (nếu thời tiết có mưa thì không lót đạm, hoà loãng lượng đạm đó ra tưới nhử khi cây bắt đầu hồi xanh)

- Bón thúc:

+ Lần 1: khi cây bắt đầu phân cành, bón 4-5 kg Ure + 4-5 kg kali kết hợp với vun gốc, làm cỏ.

+ Lần 2: Khi cây có hoa rộ, quả non, bón 3 - 4 kg đạm và 4 - 5 kg kali, có thể bón thêm phân gà ủ mục để ớt sinh trưởng mạnh, ra hoa quả nhiều, mẫu mã đẹp.

Chú ý: khi bón thúc xong 2 lần, lượng phân còn lại hoà loãng tưới cho cây sau mỗi đợt lấy quả.

3/ Chăm sóc:

Giai đoạn cây con đến ra hoa rộ giữ ẩm thường xuyên bằng cách tưới hốc hoặc tưới rãnh.
Khi cây bắt đầu phân cành, loại bỏ cành sát gốc chỉ để các nhánh từ vị trí chạc 3 trở lên, cắm cọc tre chống đổ khi gặp gió to, mỗi luống cắm 2 hàng với mật độ 70 – 80 cm cắm một que, sau đó dùng dây nilon buộc nối các cọc lại.

Khi cây ra quả rộ trở đi, chủ yếu tưới rãnh. Chỉ cho nước vào ngập 1/2 chiều cao luống khi nước hút vào 1/3 luống hoặc dùng gáo tưới cho cây; sau đó phải tháo nước ra ngay, không để rãnh có nước (nếu rãnh có nước cây rất dễ bị nhiễm bệnh héo xanh).

4/ Phòng trừ một số sâu, bệnh chính

a. Sâu hại

+ Sâu xanh ăn lá: dùng thuốc Cypermethrin, Socopi (thảo mộc), Sôka, Peran...

+ Nhện đỏ làm xoăn nõn, lá dùng thuốc Supracide 40EC, Kenthan, Comite, Alphatin, Tribon hoặc Pegasus SC... để phun.

+ Sâu khoang, sâu xám cắn lá, cây con khi đ¬ưa ra ruộng dùng thuốc Decis 2,5 EC, Peran 50 EC... phun theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì

+ Sâu đục quả dùng thuốc Peran 50EC, Regent 800WG, Cyperan, Socopi (thảo mộc), Sôka, phun giai đoạn quả non.

+ Rệp mềm, bọ trĩ hại dùng Actara 25WG, phun theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì.

b. Bệnh hại:

+ Bệnh héo xanh vi khuẩn:

Biểu hiện: cây đang xanh tốt bỗng nhiên chiều ra thăm đồng thấy cây bị héo nhưng sáng hôm sau ra lại tươi cứ như vậy 2-3 ngày thì chết hẳn, nhổ cây bị bệnh lên không thấy thân cây có biểu hiện gì của bệnh).

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu dùng các biện pháp canh tác, bón phân cân đối, luân canh với cây trồng khác họ. Nhổ cây bệnh gom vào đốt và lấy vôi bột rắc vào hốc cây bị bệnh, Dùng thuốc Kasuran, Kasumin, Starner để hạn chế bệnh.

+ Bệnh lở cổ rễ: dùng Anvil 5SC hoặc Validamycin phun trừ (tốt nhất là phun phòng khi thấy nắng mưa xen kẽ hoặc thời tiết có sương mù, ẩm độ cao).

 + Vàng lá, sương mai, đốm lá: dùng thuốc Cuproxat 345SC; Rhidomin MZ, Gold, Antracol... phun.

+ Thán thư (thối quả hay dân gọi quả bị vá mo): dùng thuốc Cuproxat 345SC; Score 250ND; Daconil75WP; Benlate 50WP (tốt nhất là dùng Rhidomin MZ, Gold + Score 250EC) phun vào giai đoạn ẩm độ và nhiệt độ cao nhất là giai đoạn cây chuẩn bị cho thu hoạch (quả ương).

+ Thối quả, rụng quả nhưng không phải thán thư nhưng triệu chứng gần giống như thán thư thì dùng CaCl2 để phun chống rụng quả, hoặc viên Cabo nhưng hiệu quả không cao tốt nhất là bón cân đối, hiện nay trên thị trường có đạm Canci tưới cho cây khi cây bắt đầu ra hoa.

Nguồn Trung tâm khuyến nông Quốc gia

Đánh giá:

 

                   

0/5 (0 bình chọn)

 

Đang xử lý...