Một số loại dưa cao sản và kỹ thuật trồng

09:01:00 08/01/2015

Dưa là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao có thể dùng để ăn tươi hay là làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến nông sản. Ở nước ta, cây dưa được trồng từ lâu và trồng ở tất cả các địa bàn sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số loại dưa cao sản và kỹ thuật trồng.


Dưa leo


I. Thời vụ: Dưa leo có thể trồng quanh năm. Thích hợp nhất là vụ Đông xuân từ cuối tháng 10-2 dl.

II. Giống:

Có thể sử dụng: các giống địa phương như dưa leo Bà Cai, Phụng Tường, dưa leo xanh Long Khánh, dưa leo chuột,...

Các giống lai F1 như: Giống Happy 14, Happy 16, giống TS 1, Mỹ Trắng  (Sm 3001), Mỹ xanh (Sm 3002), giống L-04, giống F 1 “33” và F 1 “38”.

+ Lượng hạt giống:

Giống địa phương cần trung bình 250-300 gr/1.000m2.

Các giống F 1: 50-80 gr/1.000m2.

+ Khoảng cách trồng:

Cây cách cây 30-40 cm

Hàng cách hàng 1,5-2 m. Nếu có  làm giàn khoảng cách 1,2-1,5m/hàng.

III. Kỹ thuật trồng

1. Chuẩn bị đất:

-          Cuốc xới kỹ, dọn sạch cỏ gốc rạ, cây của vụ trước.

-          Mùa mưa: lên liếp rộng 1,2-1,8 m trồng 2 hàng.

-          Mùa nắng: lên liếp rộng 0,4-0,7m; cao 20-30 cm trồng 1 hàng.

-          Đất ương cây con nên trộn phân hữu cơ, tro trấu và đất phơi khô đập nhuyễn theo tỷ lệ 1: 1: 1.

2. Bón phân:

+ Phân NPK: 90-60-40  (Tương đương 500kg NPK 16-16-8)

+ Lượng phân cho 1.000m2

Phân chuồng: 1-2 tấn

Urê: 20 kg

DAP:  20 kg

Super lân:20 kg

Kali (KCl): 15 kg

+ Cách bón:

Bón lót: 1/3 phân chuồng + 6-7 kg kali, nên bón theo rãnh trước khi trồng 5- 7ngày.

Bón thúc: 7 ngày sau khi gieo: (7 ngày SKG) urê pha nước tưới 2 kg.

15 ngày SKG: làm cỏ, bón phân (1/3 phân chuồng còn lại, urê 6 kg + kali 4 kg) kết hợp cắm chà cho cây lên giàn.

25 ngày SKG khi dưa bắt đầu ra hoa rộ: bón 6 kg urê + 4 - 5 kg kali.

Ngoài ra, còn còn thể dùng phân urê pha nước tưới định kỳ 7 ngày/lần cho dưa nhất là sau khi bắt đầu hái trái. Có thể dùng phân phun qua lá 7 ngày/lần. Nếu thấy dây dưa chậm phát triển.

3. Làm giàn:

Dưa leo rất cần làm giàn. Nhất là trong mùa mưa; thường sau khi gieo 12-15 ngày dưa bắt đầu có tua cuống cần phải làm giàn kịp thời.

4. Chăm sóc

Tốt nhất nên gieo trong bầu để tiết kiệm hạt giống; nên gieo thêm 3-5% số cây để trồng dặm.

+ Tưới nước đủ ẩm sau khi gieo. Chủ động tưới tiêu, không để cho cây bị thiếu nước hoặc ngập úng.

+ Làm cỏ kịp thời, kết hợp làm cỏ với bón phân giúp cho cây tốt không bị cỏ lấn áp.

Nếu  có điều kiện. Nên áp dụng bạt phủ đất để trồng dưa tiết kiệm được chi phí làm cỏ, tiết kiệm phân bón, giảm chi phí thuốc trừ sâu và có thể trồng tốt trong mùa mưa.

IV.  Phòng trừ sâu bệnh:

Ngoài việc chọn giống tốt, khi trồng dưa leo cần chú ý phòng trừ các đối tượng sâu bệnh:

1. Sâu hại:

- Bọ trĩ (còn gọi là Bù lạch, rẩy lửa) nên phun thuốc vào buổi chiều, dùng một trong các loại thuốc sau: Confido, Oncol hoặc Sherpa phun trước khi ra hoa.

- Dòi đục lá (sâu vẽ bùa), bọ rầy, sâu ăn lá dùng: Karate, Lannate, Polytrin, Confido,...phun khi chúng mới xuất hiện, tránh giai đoạn cây đang ra hoa rộ.

Bệnh:

Bệnh héo cây con (do nấm : Rhizoctonia, Fusarium, Phytopthora,...). Ngoài việc xử lý đất các loại thuốc có gốc đồng như Sulphate đồng, Benlate C 2,5 g/1 lít nước tưới vào hốc trước khi trồng. Có thể phun ngừa khi cây còn nhỏ bằng: Bonaza, Ridomil hoặc Derosal.

Bệnh đốm lá, cháy vàng lá, chết dây (có thể do nấm): Cercospora, Pseudoperonospora hoặc Fusarium) có thể sử dụng: Daconil, Til super, Curzate hoặc Derosal để phun ngừa.

Bệnh đốn phấn: có thể dùng: Ridomil, Aliette, Derosal hay Mancozeb.

V. Thu hoạch:

Tùy theo giống từ 35-45 ngày sau khi gieo bắt đầu thu trái. Hái trái khi nhẵn vỏ, phẳng gai có màu xanh đặc trưng của giống. Thu trái mỗi ngày/lần, thời gian thu hái trung bình 20-30 ngày/vụ (số lần hái trái phụ thuộc lượng phân hữu cơ bón lót và sự chăm sóc hàng ngày). Lượng trái trung bình 200 kg 1 lần/1.000m2.

Năng suất trung bình: 3.000-4.000 kg/1.000m2/vụ.  

 

Dê hoàng kim

 

I. Đặc tính giống: - Thời gian sinh trưởng: 58-60 ngày. - Dạng trái hình Oval, vỏ trơn, khi chín có màu vàng kim, ruột màu trắng, thịt giòn. - Trọng lượng trái từ: 1,1 - 1,5 kg. - Giống này có thể trồng quanh năm, nhưng thích hợp nhất trong vụ Xuân Hè.

II. Kỹ thuật canh tác:

1. Gieo hạt và ươm cây con:

Nên gieo ươm cây trong bầu đất. Vật liệu gồm: Phân chuồng, tro trấu hoai mục, đất xốp nhẹ đã xử lý sạch mầm bệnh, trộn đều nhau theo tỷ lệ 30 % + 10% + 60%.

Hạt giống ngâm nước sạch trong 4 giờ, sau đó ủ 24 giờ, thì hạt nẩy mầm, rồi gieo vào bầu đất 1hạt/bầu.

Sau khi gieo từ  8-10 ngày, khi cây có 1-2 lá thật thì có thể đem trồng.

2. Mật độ và khoảng cách:

Trồng giàn: Lượng giống từ: 1-1,2kg/ha.  Cây cách cây 0,5cm, hàng cách hàng: 1,5m     Trồng hàng đôi, mật độ cây từ 25.000 - 26.000 cây/ha.

Nếu trồng bò trên mặt đất, lượng giống từ: 400 - 500 g/ha. Cây cách cây: 0,5cm, hàng cách hàng: 4m.  Trồng hàng đôi, mật độ cây từ: 9.000 - 10.000 cây/ha.

3.  Phân bón và cách bón phân/ha:

- Bón lót: 15 - 20 tân phân chuồng, 400-500 kg NPK 16-16-8

- Bón thúc:

Lần 1: 18-20 ngày sau khi gieo: 40-50 kg NPK 16-16-8

Lần 2: 7-10 ngày sau khi đậu trái: 200-250 kg NPK 16-16-8

Lần 3: 16-18 ngày sau khi đậu trái: 100 kg KCL

Nếu sử dụng phân Urê và DAP có thể sử dụng để tưới dặm trong giai đoạn cây còn nhỏ.

4. Chăm sóc cây sau trồng:

- Tưới nước: Lượng nước tưới phụ thuộc vào cơ cấu đất, thời tiết và thời kỳ phát triển của cây, nên tưới vào lúc sáng hoặc chiều mát.

- Bấm ngọn, tỉa nhánh, chọn trái:

+ Để một dây chính: Cây không cần bấm ngọn, định hướng dây bò theo hướng vuông góc với mặt líp. Dưa lê có đặc tính trái nằm trên dây chèo, muốn trái to, mỗi dây để một trái, cần cắt bỏ chèo trên dây chính từ lá thứ 10 trở vào gốc trước khi để trái. Vị trí để trái tốt nhất là lá thứ 10 đến lá thứ 15. Trên chèo chọn trái để 2 lá (kể cả lá để trái), rồi bấm ngọn.

+ Để 2 dây chèo: Cây được 4-5 lá thật tiến hành bấm ngọn chính, sau khi bấm ngọn được 7 ngày đến 10 ngày, chọn 2 nhánh tốt nhất, định hướng dây bò theo hướng vuông gốc với mặt líp. Mỗi gốc nên để một trái, cần cắt bỏ chèo trên cây nhánh từ lá thứ 7 trở vào gốc trước khi để trái. Vị trí để trái tốt nhất là lá thứ 7 đến lá thứ 10. Trên chèo chọn trái để 2 lá ( kể cả lá để trái), rồi bấm ngọn.

5. Cách phòng trừ sâu bệnh:

- Bọ trĩ : Còn gọi là rầy lửa hay bù lạch, sống tập trung trên đọt non hay dưới mặt lá non. Chích hút nhựa làm đọt non chùn lại, không phát triển.

Sử dụng thuốc: Confidor 100SL, Admire 50EC, Oncol 20ND, Regent.

- Rầy mềm còn gọi là rầy nhớt. Chích hút nhựa làm cây chùn đọt lại, không phát triển, lá bị vàng. Ngoài ra còn là môi giới truyền bệnh khảm vàng. Sử dụng thuốc:  Topsin, Antracol 70WP, Aliette 80WP, Mancozeb, Fusin, Phun Benlate, Copper B 23% vào gốc. Mặc khác, cần giảm nước tưới, giảm phân bón, nhất là Urê.

+ Bệnh thối rể, héo dây: Khi thời tiết ẩm ướt trên gốc thân xuất hiện những vết màu trắng xám, phát triển thành một lớp mốc bông xốp màu trắng. Cây dưa héo khi trời nắng và tưới lại khi trời mát, cây có thể bị héo đột ngột.

6. Thu hoạch:

Sau khi đậu trái khoảng 28 - 35 ngày, vỏ trái chuyển sang màu vàng đặc trưng của giống, là thời kỳ thích hợp cho thu hoạch.

Dưa lê vân lưới

Dưa Vân lưới thuộc nhóm dưa lê thơm, là dưa ưu thế lai F1 do Công ty Vimorint Cộng hòa Pháp lai tạo và sản xuất. Dạng thân bò hoặc leo (như dưa lê, dưa hồng), sinh trưởng khỏe, thân mập, phiến lá to màu xanh sẫm.

1. Đặc điểm và nguồn gốc

- Dạng quả: Quả hình ôval, da quả màu xanh, khi chín thương phẩm ngả xanh vàng và có các đường gân trắng đan xen như lưới nên có tên gọi là vân lưới. Thịt quả dưa vân lưới màu vàng da cam nghiêng vàng đỏ như đu đủ rất hấp dẫn và giầu Caroten, ăn giòn, mát và thơm ngọt, hàm lượng đường cao đạt bình quân 15-16 độ đường, Vỏ quả dưa vân lưới dầy, cứng rất dễ vận chuyển mà không sợ giập nát

 - Thời gian sinh trưởng: Từ trồng đến ra quả khoảng 45-55 ngày tùy theo vụ và nền nhiệt, sau khi ra quả 30-35 ngày thì được thu hoạch.

 - Yêu cầu ngoại cảnh: Dưa sinh trưởng tốt trong điều kiện 16-280C, trời thiếu nắng, âm u kéo dài thì tỷ lệ đậu quả thấp, phẩm chất giảm, Dưa vân lưới ưa thời tiết mát mẻ, không trồng được ở vụ có nền nhiệt độ cao, thời kỳ quả đậu được 15-20 ngày không được tưới quá ẩm và không để đọng nước.

 - Khả năng chống chịu: Khả năng kháng bệnh héo rũ và chạy dây tốt, chịu được lạnh và chống bệnh mốc sương khá.

 Chú ý với mùi thơm và độ đường cao, dưa vân lưới khá hấp dẫn với sâu hại các loại.

 2. Kỹ thuật trồng

- Thời vụ:

 Gieo trồng được ở 2 vụ: Vụ xuân và vụ đông.

Vụ xuân gieo hạt cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 (quanh tiết lập xuân)

Vụ đông gieo hạt không quá 10/10.

Phải làm bầu để gieo hạt, vì giá hạt giống nhập nội dưa vân lưới rất đắt, giá nhập khẩu 1000đ/hạt, các lon hạt giống tính số hạt chứ không tính trọng lượng.

 - Kỹ thuật trồng: Ngâm hạt và ủ cho hạt nứt nanh rồi tra vào bầu như làm với dưa hấu, chú ý vật liệu làm bầu là đất mùn trung tính, bầu để nơi thoáng dại nắng không bị che cớm, khi cây con được 2-3 lá thật thì đặt bầu ra ruộng.

 + Đất trồng phải được làm kỹ sạch cỏ dại, lên luống và bón lót phân chuồng mục, phân phức hợp đầy đủ, có 2 phương thức trồng:

 * Trồng bò lan như dưa lê thường: Lên luống rộng 3,5-4m, trồng hai líp hai bên, luống hơi vồng ở giữa. Nếu trồng hàng đơn lên luống rộng 2-2,2m, trồng một hàng giữa luống. Cây cách cây khoảng 50-60 cm, mỗi sào trồng hết 500-550 cây, mỗi cây có thế lấy 2 quả-3 quả tùy mức thâm canh.

 * Trồng giàn: Luống rộng 1,1-1,2 m như luống dưa chuột xuất khẩu, trồng 2 hàng, hàng cách hàng 70-75cm, cây cách cây 40 cm, cắm giàn cho dưa leo như dưa chuột và phải có túi đeo quả, mỗi cây lấy 1 quả - Nếu trồng bò thì trồng kiểu nanh sấu nếu trồng giàn trồng thẳng hàng ngang, thẳng hàng dọc.

 + Phân bón: Bón lót theo rạch, lót sâu mỗi sào 4-5 tạ phân hữu cơ đã ủ mục, 8-10kg phân phức hợp NPK 16-16-8-13S, lấp đất đánh phẳng luống, có điều kiện phủ màng nông nghiệp chuyên dụng, mặt đen xuống dưới, mặt trắng lên trên, lỗ màng và đặt cây, đặt hướng lá dọc theo luống và mặt bầu ngang bằng mặt luống.

Đất trồng màu sau khi bón phân lên phun toàn bộ bề mặt luống bằng thuốc sát trùng, loại xông hơi rồi phủ màng đè lên.

Sau trồng 3-4 ngày tưới dặm bằng nước giải ngâm lân pha loãng hoặc nước ngâm của hạt đậu tương thối, tưới 2-3 lần liên tục để cây có đà sinh trưởng.

 Khi dưa có 4-5 lá chuẩn bị leo giàn hoặc ngả ngọn bò thì bón thúc bằng cách vén màng phủ gợt nhẹ đất và bón vào mép xa vị trí cây 10-15cm, lấp đất phủ lại màng rồi tiến hành cắm giàn. Giàn cắm phía ngoài của cây, cách cây 5-7cm, cắm chữ A. khi dưa ngoi leo giàn tiến hành buộc dây vào cọc giàn, dùng dây nilon mềm, buộc theo hình số 8.

 Cắt tỉa các nhánh phụ gần gốc, chỉ lấy quả ở vị trí cách gốc 70cm trở lên, trồng giàn mỗi dây lấy 1 quả, khi dưa leo gần tới đỉnh giàn thì cấm ngọn và nuôi các nhánh từ vị trí trên quả, nhưng không nên để quá nhiều nhánh khiến quần thể bị che khuất và làm lây lan bệnh.

Nếu trồng cho bò lan mỗi dây có thể lấy trên 2 quả, khi cây ngả ngọn bò bấm luôn ngọn để nuôi 2 nhánh, bấm tất cả các nhánh phụ khác, khi dưa ra hoa cái chọn hoa có đài quả mập, bóng để thụ phấn bổ sung và chọn, tuyển quả, loại bỏ tất cả các quả khác.

 Sau khi lấy quả 7-10 ngày bón thúc nuôi quả bằng NPK hoặc nếu dây tốt, lá có màu sắc xanh đậm bón mỗi sào 4-4,5 kg Kali clorua.

 + Sâu bệnh hại: Chú ý phòng trừ sâu xanh ăn lá, ăn vỏ quả, các bệnh chết rũ cây con, chạy dây, phấn trắng, mốc sương. Phun theo chỉ dẫn và đảm bảo an toàn sản phẩm, trước thu hoạch 7-10 ngày không được phun thuốc hóa học.

 

Nguồn: bancuanhanong.com

Đánh giá:

 

                   

0/5 (0 bình chọn)

 

Đang xử lý...